
1. Không thiết kế lỗ thông hơi phòng xông hơi
Thiết bị tạo nhiệt được sử dụng trong phòng tắm xông hơi khô là máy xông hơi khô. Đây là thiết bị hoạt động dựa trên nguyên lý làm nóng không khí trong phòng, nhờ đó tạo ra môi trường nhiệt khô để xông. Chính vì vậy, việc đảm bảo luồng không khí lưu thông hợp lý là điều cực kỳ quan trọng để thiết bị hoạt động hiệu quả và an toàn.
Máy xông hơi không chỉ làm nóng không khí sẵn có trong phòng, mà còn cần nguồn không khí bổ sung liên tục từ bên ngoài để duy trì nhiệt độ đều và tránh hiện tượng quá nhiệt hoặc thiếu oxy. Không khí nóng có xu hướng di chuyển lên cao, trong khi không khí lạnh hơn (mới) sẽ đi xuống.
Nếu không có lỗ thông gió, không khí sẽ bị “đóng kín”, khiến hiệu suất gia nhiệt giảm, đồng thời gây khó chịu, ngột ngạt cho người sử dụng. Nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bạn và gia đình.
Việc thiếu lỗ thông hơi cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động của máy xông hơi. Đối với máy xông hơi điện, máy có thể tự động ngắt sớm do cảm biến ghi nhận nhiệt độ tăng nhanh bất thường, gây ảnh hưởng đến hiệu suất xông và độ bền thiết bị. Nếu không có thông gió, máy xông hơi đốt gỗ sẽ đốt cháy hết oxy trong phòng, dẫn đến thiếu khí thở cho người dùng, cực kỳ nguy hiểm.
Các nhà sản xuất máy xông hơi đều có hướng dẫn kỹ thuật rõ ràng về vị trí và kích thước của lỗ thông hơi trong phòng. Ví dụ, vị trí lỗ thông hơi đầu vào nên nằm trong khoảng 90cm tính từ vị trí đặt máy xông hơi, thường được đặt ở gần cửa ra vào, giúp tận dụng khe hở hoặc thiết kế khe thoáng khoảng 1,5cm dưới chân cửa thay vì cắt tường để thông khí.
Giải pháp này giúp đảm bảo thẩm mỹ cho phòng và tiết kiệm chi phí thi công (không cần đục tường, thêm khung chặn hay hoàn thiện bề mặt phức tạp).
Đối với vị trí của lỗ thoát khí nóng, bạn cần đảm bảo yêu cầu:
- Nên đặt cách trần nhà khoảng 15cm.
- Tuyệt đối không đặt trực tiếp phía trên máy xông hơi, cũng như không đặt trên trần nhà.
- Không khí nên được dẫn thoát ra không gian liền kề (như hành lang, phòng thay đồ...) hoặc lên gác mái thông thoáng.
- Không được dẫn khi nóng vào hốc tường vì dễ gây tích tụ độ ẩm và hình thành nấm mốc, đặc biệt là ở các khu vực có độ ẩm cao quanh năm.
- Không khuyến khích thông hơi ra bên ngoài trời vì áp suất không khí bên ngoài có thể tạo hiệu ứng "gió ngược", làm giảm hiệu quả luồng khí lưu thông trong phòng xông hơi.
2. Chọn vật liệu xây dựng kém chất lượng
Nếu không chú trọng đến khả năng cách nhiệt của phòng tắm xông hơi, hơi nóng từ máy xông hơi có thể làm các thành phần xung quanh bao gồm sàn nhà, tường…bị nứt vỡ, phân rã theo thời gian.
Phần khung gỗ của phòng xông hơi khô nên được làm bằng các loại chất liệu gỗ tự nhiên bởi các loại gỗ này có khả năng cách nhiệt tốt, ít cong vênh, không thấm nước và ít mắt gỗ nên tạo ra độ kín phù hợp.
Các loại gỗ phổ biến dùng cho phòng xông khô: Gỗ thông trắng Phần Lan, thông Mỹ hoặc các loại gỗ cao cấp hơn: Cedar (Tuyết tùng đỏ),Hemlock Canada. Nếu cần thiết, bạn có thể nhờ thợ xây tư vấn lựa chọn loại gỗ phù hợp với sở thích, nhu cầu cũng như tình hình kinh tế của gia đình.
Nếu bạn đã xác định xây phòng tắm xông hơi, chúng tôi khuyên bạn nên đầu tư cho các loại gỗ cao cấp dù giá thành có thể cao hơn các loại gỗ khác nhưng bạn không phải mất nhiều thời gian và tiền bạc để sửa phòng tắm xông hơi khi xảy ra vấn đề.
Kể cả khi sử dụng vật liệu cao cấp, bạn vẫn nên chú ý để máy xông hơi cách tường và các vật dụng khác trong phòng một khoảng cách an toàn, đặc biệt là khi sử dụng ở nhiệt độ cao.
3. Kích thước trần không hợp lý
Hầu hết các dòng máy xông hơi khô dân dụng hiện nay được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong không gian có trần cao từ 1,95m đến 2,4m. Đây là mức chiều cao lý tưởng, đảm bảo luồng nhiệt được phân bổ đều trong phòng và máy hoạt động ổn định.
- Nếu trần quá cao (trên 2,4m): Nhiệt độ sẽ không đạt được mức cần thiết để xông hơi hiệu quả. Máy sẽ phải làm việc quá tải, dẫn đến nguy cơ hư hỏng linh kiện hoặc cháy nổ. Khi vấn đề này xảy ra, bạn sẽ không thể sửa chữa máy xông hơi.
- Nếu trần quá thấp (dưới 1,88m): Khoảng cách giữa máy xông hơi và trần quá nhỏ, có thể gây nguy cơ hỏa hoạn, đặc biệt là ở vùng phía trên máy xông hơi.
Thiết kế phòng xông hơi nên có chiều cao trần từ 1,95m đến 2,4m để đảm bảo hiệu suất và an toàn khi sử dụng máy có công suất 8kW trở xuống. Nếu bạn muốn trần cao hơn, bắt buộc phải nâng cấp công suất máy, đồng thời đảm bảo hệ thống cấp điện (cầu dao, dây dẫn...) tương thích.
Nếu muốn thiết kế trần nhà thấp, bạn phải lắp thêm tấm chắn nhiệt phía trên máy xông hơi. Thường là 2 tấm kim loại cách nhau khoảng 1,2–1,5cm, giữ khoảng cách bằng các miếng đệm chịu nhiệt, nhằm giảm rủi ro cháy nổ và tăng tuổi thọ cho thiết bị.
Hiện nay, nhiều người có nhu cầu sử dụng phòng xông hơi khô như một không gian tập yoga hoặc thể dục nhẹ. Bạn nên lắp ghế xông hơi dạng có thể lật hoặc tháo rời, giúp tăng diện tích sàn linh hoạt khi cần tập luyện.
4. Không có phương án xử lý hơi nước
Khi sử dụng phòng tắm xông hơi khô, bạn không chỉ cần quan tâm tới nhiệt độ mà còn phải có phương án xử lý hơi nước hợp lý. Dù được gọi là phòng tắm xông hơi khô nhưng thực chất trong phòng không khô tuyệt đối và vẫn có thể được coi là một không gian ẩm ướt. Lý do là bởi độ ẩm được tạo ra từ việc đổ nước lên máy xông hơi khô và từ mồ hôi của người sử dụng.
Nếu không có phương án xử lý phù hợp, hơi nước có thể thấm dần vào lớp gỗ hoặc chảy xuống các khe của các tấm gỗ, gây ra tình trạng nấm mốc hoặc hư hỏng kết cấu của gỗ.
Để ngăn ngừa tình trạng trên, bạn nên thiết kế một lỗ thoát nước nằm bên dưới lớp gỗ của phòng. Nước từ máy xông hơi hoặc từ cơ thể người có thể chảy xuống lỗ và thoát ra ngoài.
Ngoài ra, lỗ thoát nước cũng sẽ giúp việc vệ sinh phòng tắm xông hơi dễ dàng hơn bởi khi bạn đổ nước hoặc dùng khăn ướt để lau cũng không cần lo nước đọng lại và không thể thoát ra.
5. Các hàng gỗ ghép mộng không thẳng hàng tại góc tường
Trước tiên và quan trọng nhất, bạn cần lắp lớp màng chắn hơi bằng giấy bạc chuyên dụng cho phòng xông hơi lên trần và bốn bức tường. Không cần lắp dưới sàn vì sàn phòng xông hơi luôn có nhiệt độ thấp hơn và không giữ nhiệt hiệu quả.
Khi lắp gỗ ốp dạng ghép mộng, luôn bắt đầu từ trần nhà. Về mặt thẩm mỹ, đa số người dùng thích các tấm gỗ trần chạy cùng hướng với tường phía sau. Nếu không thích hướng xà trần hiện tại, bạn có thể lắp thanh đỡ phụ để thay đổi hướng lắp gỗ trần.
Cách tốt nhất để cố định gỗ ghép mộng vào tường là bắt đầu từ hàng thấp nhất. Nên chừa một khe hở khoảng 1,9cm dưới cùng, dùng các thanh đệm để căn chỉnh từng hàng và cân bằng trong suốt quá trình lắp. Làm như vậy sẽ đảm bảo các mối nối gỗ tại các góc phòng khớp nhau đẹp mắt.
Nếu bạn lắp xong toàn bộ một bức tường trước, sau đó mới chuyển sang tường tiếp theo thì không thể đảm bảo các hàng gỗ sẽ thẳng hàng tại góc giao nhau. Gỗ dùng để xây phòng xông hơi tuy mềm và dễ thi công nhưng một số loại có đặc tính tự nhiên không đủ ổn định để thực hiện cách lắp từng tường riêng biệt mà vẫn đạt độ chính xác cao.
Tốt nhất là bạn nên liên hệ chuyên gia đến thi công thay vì tự lắp đặt tại nhà. Sai sót trong quá trình lắp đặt có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về sau mà bạn không thể sửa phòng tắm xông hơi.
Tham khảo từ: cedarbrooksauna.com